Viết tặng Thi Sĩ Đặng Xuân Mai
Thái Chinh Nguyễn Kim Loan
Thi sĩ Đặng Xuân Mai và tiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng là hai người học trò của cố nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng.
Lúc còn sống, anh Thanh Hùng tự nhận mình là Đông Tà Hoàng Dược Sư, một nhân vật trong truyện kiếm-hiệp Thần Điêu Đại Hiệp của văn sĩ rất nổi tiếng người Trung Hoa: Kim Dung.
Xuân Mai và Xuân Thưởng là hai đệ tử của Sư-phụ Đông Tà.
Chắc hẳn rằng Xuân Mai là đóa hoa mai của hương sắc một mùa Xuân trường cửu, trường cửu vì tập thơ “Cõi Ta” của Đặng Xuân Mai (đã xuất bản) sống còn mãi mãi với thời gian của hồn thơ Việt. Và Xuân Thưởng có lẽ mang ý nghĩa ‘một mùa Xuân tinh-thần’ mà thiên nhiên muốn làm quà cho những tâm cảm lành và đẹp; cũng có thể ẩn ý là sự thưởng thức văn chương và nghệ thuật rất trong sáng, rất hồn nhiên của tuổi Xuân thơ ngây.
Không ai nghĩ rằng nghệ sĩ Thanh Hùng đã ra đi vĩnh viễn. Có lẽ vì tinh thần của nghệ sĩ Thanh Hùng đậm nét hai khía cạnh rất độc đáo: sừng sỏ và nho nhã. Sừng sỏ bao nhiêu thì nho nhã bấy nhiêu. Và cũng có lẽ vì “những đấng tài hoa, thác là thể phách còn là tinh anh” (Truyện Kiều, Nguyễn Du).
Có phải rằng “tinh anh” của linh hồn người nghệ sĩ chân chính và đạo đức bao giờ cũng phảng phất khí vị Thiền?
Đạo Phật công nhận có linh hồn; nếu ta hiểu linh hồn theo ý nghĩa của Duy Thức Học như Thầy Nhất Hạnh viết trong “Vấn Đề Nhận Thức Trong Duy Thức Học”:
Duy Thức Học là một cánh cửa hiện tượng luận mở nhìn vào vấn đề thực tại tuyệt đối, tức vấn đề chân như (tathata)......
Nếu ta hiểu linh hồn hay bản ngã (atman) là một dòng hiện tượng tâm lý liên tục chuyển biến có liên hệ tới các hiện tượng sinh và vật lý khác, thì ta có thể nói là có linh hồn, có bản ngã. Linh hồn hay bản ngã hiểu theo kiểu này cố nhiên là đạo Phật có thừa nhận.
Linh hồn là một dòng hiện tượng tâm lý luôn luôn chuyển biến và thay đổi như một dòng sông. Giải nước trắng kia ta trông như bao giờ cũng là dòng sông cũ, kỳ thực vô số những giọt nước hợp thành, nó luôn luôn di động và được đổi thay.
Nước sông Hương liên tục di động, thay đổi từng “sát-na”; thế nhưng, do “duyên” về địa lý, khí hậu và nhân tình mà tinh thần và bản chất của sông Hương là dòng nước êm đềm, bình thản khiến cho ngàn sau và ngàn năm sau nữa sông Hương vẫn là sông Hương thơ-mộng của người làm văn học nghệ thuật.
Tinh thần chính trực, giản dị và hồn nhiên của linh hồn nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng trước sau như MỘT trong dòng tâm cảm thay đổi, đổi thay ở vạn nghìn kiếp trước, kiếp này, kiếp sau và muôn vàn kiếp sau nữa.
Đổi thay, thay đổi, liên tục chuyển biến mà vẫn giữ được trước sau như MỘT. Giữ cho mình đối với mình chỉ Một Tấm Lòng, giữ cho mình đối với bạn bè chỉ Một Tấm Lòng, đó có phải là “sống thiền”?
Những người nghệ sĩ đích thực là ‘nghệ sĩ chân-chính đạo-đức’ trân trọng “giữ cho nhau Một Tấm Lòng” của tâm lành, đẹp và trong sáng:
Như cát bụi trở về cát bụi
Giũ hình hài nơi Cõi Nhân Gian
Uyên nguyên Trời Đất dọc ngang
Ý tình gửi trọn xác phàm về đâu?
Êm trôi trong tiếng kinh cầu
Nẻo nào về cõi thiên thâu đất trời
Ta từ hạt bụi mù khơi
Hư không rơi xuống cõi đời phù vân
Áo phai nhật nguyệt phong trần
Ngủ vùi một giấc hoa Xuân lại về
Hoa vàng rải bước đường quê
Hỏi ai tri kỷ Đi Về với ai?
Ủ ê trong giấc mộng dài
Nghìn năm có được hình hài Sắc Không
Giữ cho nhau Một Tấm Lòng
Bài thơ trên thi sĩ Đặng Xuân Mai làm theo thể Hoán Thủ. Nếu lấy vần đầu ở mỗi chữ bắt đầu từng câu thơ một, đem ghép lại, thì là Nguyễn Thanh Hùng.
Những chữ N, G, U, Ý, Ê, N đem ghép lại để thành chữ NGUYỄN.
Những chữ T, H, Á, N, H đem ghép lại để thành chữ THANH.
Những chữ H, Ủ, N, G đem ghép lại để thành chữ HÙNG thì không đúng lắm, nhưng mà cũng không sai lắm.
Phải nói rằng khi ghép các chữ lại thì “như là Nguyễn Thanh Hùng”, tên của người nghệ sĩ tài hoa.
Trong thế gian tương-đối này, có gì là Tuyệt Đối đâu. Tất cả đều NHƯ LÀ, mọi sự mọi việc đều như-đúng như-sai, như-ảo như-thật, như thực như ảo.
Bài thơ Nẻo Về chấm dứt với câu thơ “Giữ cho nhau Một Tấm Lòng”.
Một Tấm Lòng của “như vẫn Thanh Hùng, như vẫn đây”(thơ Như Kiến cư sĩ).
Một Tấm Lòng vượt lên trên sống-chết, Một Tấm Lòng của “không sống-chết”, đó có phải là đã sống, đang sống và nghìn thu vẫn sống trong hơi thở Thiền.
Bởi “sống thiền”, bởi có khả năng “sống trong hơi thở Thiền” mà người nghệ sĩ được tận hưởng một cách thâm trầm, sâu sắc và trọn vẹn những giây phút mình-nhìn-mình trong Cõi Ta, mình-tìm-mình trong Cõi Riêng:
Cõi Riêng
Tiễn anh phai nhạt nắng chiều
Em về phố núi đìu hiu dáng gầy
Tàn thu cỏ úa heo may
Em về quạnh quẽ tháng ngày cô liêu
Trong cõi riêng cô-liêu, thi nhân quay lại mình để nhìn chính mình, trông thấy suốt đáy lòng mình, tìm nguyên nhân và hệ quả của mỗi rung cảm, mỗi suy tư, mỗi hành động.
Thế rồi, người làm thơ thấy chính mình đang mê, thấy chính mình điên đảo với những cơn bão táp ‘kỷ niệm tơ hồng’ mượt mà khói hương hoa chúc:
Anh đi nắng quái mưa chiều
Em về cửa mở dấu yêu hiện về
Rượu nồng chưa tỉnh cơn mê
Đêm trăng rụng cánh sao khuê vào phòng
Hương đêm man mác tình nồng
Áo em tẩm liệm tơ hồng khói lam
Những vọng tưởng, vọng tình trổi dậy mãnh liệt, chuyển biến ngày tháng thành rong rêu, chuyển biến để hồn-chiều-tà phảng phất trong đôi mắt xanh thẳm của người yêu. Những con sóng lớn nhỏ chuyển biến mặt-biển-tình-cảm, nhưng nước biển xanh ngắt vẫn là Một: một tình nhớ không khuây, trong sáng, rực rỡ một màu dương:
Nhớ đêm trăng sáng rải vàng
Anh, sao Bắc Đẩu bạt ngàn thức mây
Em ngồi xỏa tóc bay bay
Ru anh tình muộn tháng ngày rong rêu
Mắt anh xanh thẳm hồn chiều
Yêu anh từ độ trăng treo cuối ghềnh
Ru tình, tình mãi lênh đênh
Em, con chim nhỏ theo anh cuối mùa
Nói theo Duy Thức Học của Phật giáo, dòng hiện tượng tâm lý hằng chuyển, nước sông trôi mãi, liên tục đổi thay mà vẫn là Một, Một Dòng Sông.
Vọng tưởng, vọng tình giam hãm thi nhân trong tháng ngày cô liêu, trói buộc người làm thơ với nắng quái mưa chiều, thắt chặt thi sĩ bằng những tình si sôi nổi: “rượu nồng chưa tỉnh cơn mê”, và “áo em tẩm liệm tơ hồng khói lam”, và “ru anh tình muộn tháng ngày rong rêu”......
Kể bao vọng tình, vọng tưởng cho hết, cho vừa biển tình mênh mông, bao la của cái tâm hữu-tình đa cảm nghìn năm vẫn thế.
Thi nhân dịu dàng ve vuốt vọng tưởng của tình si đắm đuối, thi nhân ghì chặt vọng tình vào lòng để được nức nở, để được khổ đau, than khóc và suối lệ như-ảo như-thực tuôn tràn ra ngòi bút, thành thơ, thơ của Đặng Xuân Mai.
Vọng Tưởng của thi nhân thì muôn vàn bóng sắc hư ảo; huy hoàng, diễm lệ, tuyệt vời hơn vọng tưởng của người đời, những người bình thường. Mà nói chung về những Vọng Tưởng của nhân thế, kinh Phật “Bồ Đề Tâm Luận” dạy rằng: “Cái pháp của Đường Mê là từ nơi vọng tưởng mà sinh ra, nó lần lượt làm nẩy nở ra cho đến thành vô lượng vô biên phiền não”.
Biết là MÊ mà vẫn tưởng tượng, biết là MÊ mà vẫn mơ mộng, biết là MÊ mà vẫn “yêu”. Yêu thành thật và trong sáng, xin đừng hỏi thi sĩ yêu ai, xin đừng bắt thi nhân nhớ tên người yêu rồi “tôi viết tên anh trên lá, trên hoa” như người bình thường.
Người làm văn học nghệ thuật không chối bỏ vọng tưởng đau khổ, không lìa xa vọng tình phiền-não; họ trìu mến ôm ấp những tình cảm điên dại của họ, họ sung sướng khi được chịu đựng phiền não để làm thơ, viết văn, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật. Họ tỉnh thức trong những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi, và họ cũng tỉnh thức với tháng năm trầm mình trong khổ đau thống-thiết:
Đêm về thắp nến làm thơ
Ngâm câu kinh khổ, ngồi chờ trăng lên
Sự tỉnh thức rất trong sáng của người-làm-thơ đang yêu, Đặng Xuân Mai hoàn toàn tỉnh thức để lột tả tình cảm chân thực của mình cho thật lành, cho thật đẹp, cho thật “thơ” bằng âm ngữ Việt vô cùng phong phú:
Nhớ anh trăng giãi bên thềm
Sương thu nguyệt đọng tóc huyền sợi tuôn
Kinh Phật dạy: “Từ nơi vọng tưởng, cái pháp của Đường Mê sinh ra; Vọng Tưởng lần lượt làm nẩy nở ra cho đến thành vô lượng vô biên phiền não”, đó là lời nói của NGƯỜI GIẢI THOÁT.
Trong bài Tọa Thiền Hòa Tán, thiền sư Bạch Ẩn (người Nhật Bản) miêu tả NGƯƠI GIẢI THOÁT như sau:
Người ấy đã thoát ngoài điên đảo Vọng Tưởng
Đã mở ra cánh cửa đồng nhất của nhân và quả
Và thênh thang con đường pháp phi nhị phi tam
Trụ nơi Bất Dị giữa những cái Dị
Dù tới dù lui cũng không bao giờ động
Nắm cái Vô Niệm trong cái Niệm
Trong thi vi đều nghe tiếng pháp
Trời Tam Muội lồng lộng vô biên
Trăng Tứ Trí sáng ngời viên mãn.....
Thi nhân là người không muốn thoát ra ngoài riềng mối điên đảo của Vọng Tưởng.
Thi sĩ là người tha thiết được vướng mắc Vọng Tưởng, khao khát bị trói buộc bởi Vọng Tình để có hứng khởi nồng nàn, mãnh liệt; và như thế từ trong tim óc tuôn trào ra những vần thơ đắm đuối tình cảm trầm-luân.
Làm sao có thể thoát được vọng tưởng, vọng tình khi mà cái chuyện Giải Thoát quá khó khăn, có thể nói là kinh hoàng đối với những tâm hồn đa sầu đa cảm.
Việc lìa bỏ vọng tưởng thì vô cùng đáng sợ đến nổi thiền sư Thối Ẩn phải dùng hình ảnh rất cụ thể, rất mạnh bạo để miêu tả sự đau đớn tận cùng của người muốn thoát vọng tưởng, muốn tiêu diệt tất cả vọng tình để có thể Giải Thoát.
Trong Thiền Gia Qui Giám, thiền sư Thối Ẩn đời Minh (một triều đại của Trung Hoa) cho rằng vọng tưởng giống như con bò mộng (con bò to và mập). Con bò mộng này làm bằng chất sắt (một kim loại rất cứng). Người muốn giải thoát thì giống như con muỗi đang chích con bò mộng bằng sắt ấy. “Da sắt”của bò mộng làm cong queo cái vòi yếu ớt của con muỗi (con muỗi tượng trưng cho người đang cố gắng diệt tất cả vọng tưởng), và “da sắt” đẩy ngược cái vòi khiến cho con muỗi vô cùng đau đớn; thế nhưng, con muỗi phải quên nỗi đau vô tận, phải quên mình để tiếp tục chích vào cái thân to lớn bằng sắt của con bò mộng. Chỉ khi nào cái vòi nhỏ bé, mong manh xoi thủng qua “da thịt sắt” của con bò, và chạm đến xương tủy, thì lúc ấy tất cả vọng tưởng mới tan biến. Phải cực kỳ nan hành khổ hạnh mới diệt được vọng tưởng, vọng tình; thế rồi, người-diệt-vọng-tưởng chứng nghiệm trạng thái:
Lửa thế tục còn đâu
Để cho đời mơ tưởng (kinh Tự Thuyết)
Thi nhân là người rất sợ diệt vọng tưởng, rất kinh hãi khi nghĩ đến việc tự mình làm tan biến tất cả mộng mơ.
Thi nhân tha thiết được sống điên đảo, khổ đau trong Mê Lộ của vọng tưởng phiền-não.
Nhưng, tất cả tình cảm tầm thường như giận hờn, thương nhớ, yêu, hận..... của thi nhân được nâng lên, được mình-tự-mình-thờ-phụng-tình-cảm của mình: đem tình đốt khói dâng hương cho vừa.
Yêu đấy mà thiền đấy, thi nhân Đặng Xuân Mai gói trọn hồn thơ đẫm tình vào trong lời kinh:
Yêu anh mắt thẳm môi hờn
Đem tình đốt khói dâng hương cho vừa
Tâm kinh, nhã nhạc sớm trưa
Lời kinh gói trọn hồn thơ đẫm tình
Yêu rồi Mê mà vẫn tự coi tình của mình là một vật mà mình phải nhiệt thành thờ phụng, rồi nâng đối tượng lên thật lành, thật đẹp, thật trong sáng, đó có phải là vừa thiền vừa yêu.
Đặng Xuân Mai yêu trong cô đơn: mình em trong bầu trời anh để lại.
Bâng quơ câu hát một mình
Ai khêu trăng sáng tỏ tình cùng em
Tắm trăng, ngắm cội Quỳnh Tiên
Em nương câu hát về bên ấy rồi
Anh về bỏ cuộc rong chơi
Anh đi để lại bầu trời mình em
À ơi câu hát ru đêm
Ru em giấc ngủ, ru quên tháng ngày
Ru đời, một đám cỏ may
Ru anh tình muộn, ru cay tình nồng.
Đặng Xuân Mai yêu trong tiếng ru: ru em tím cả mầu chiều ái ân, và ru say tóc rối, ru mềm ngực hoang, để cuối cùng em đưa anh vào tận Cõi Thơ.
Thi sĩ và người yêu mờ mờ nhân ảnh trong vọng tưởng như-thật như-ảo của Cõi Thơ.
Cõi Thơ có sóng tình gọi bến bờ mê.
Cõi Thơ có em từ muôn kiếp vẫn là đây
Cõi Thơ có:
Anh muốn tan thành mực
Hóa thành dòng thơ ngoan
Em là sao trên non
Anh là bóng trăng ngàn
Mai ta về nguồn cội
Trong Đất Trời xênh xang.
Cõi Thơ là Cõi riêng của thi nhân.
Cõi Riêng của thi sĩ Đặng Xuân Mai là Cõi dệt bằng vọng tưởng, vọng tình thật thơ, thật mộng:
Em dệt mây thành thơ
Bao mơ ước cho vừa
Anh làm mưa tháng chạp
Yêu em thật tình cờ
Cõi Riêng của thi sĩ Đặng Xuân Mai là Cõi hư huyễn
Em ngồi đây với anh
Một chút gì mong manh
Như hương mùa xuân mới
Ươm nắng lụa trên cành
Cõi hư huyễn là Cõi Nhân Gian
Tình vẫn đẹp dẫu muôn vàn ngang trái
Chim vẫn hót trong vườn hoa tình ái
Khi tình người mê mãi Cõi Nhân Gian
Cõi Nhân Gian là Cõi của con người.
Tình người thì mê mãi Cõi Nhân Gian mà tâm người thì đi tìm Phật tánh.
Đoàn Trung Còn định nghĩa ‘Phật tánh”:
Mỗi vật đều chứa nơi mình Phật tánh. Phật tánh ở nơi ta là tiến chớ không phải thoái, tích chứ không phải tiêu; NÓ lướt tới mãi, NÓ làm cho cảnh trần càng đẹp càng thuần, NÓ đưa lần mọi vật đến gần cái Tuyệt Đẹp, cái Tuyệt Cao, Tuyệt Diệu và Tuyệt Sáng.
Thơ Xuân Mai không phải thơ Thiền của một thiền sư.
Thế nhưng, đọc thơ Xuân Mai thì thấy cảnh trần càng đẹp càng thuần.
Đọc thơ Xuân Mai thì thấy mọi việc, mọi vật đến gần cái Tuyệt Đẹp, cái Tuyệt Sáng.
Có đúng không khi tôi nói rằng thơ Xuân Mai có vị Thiền và phảng phất “hơi thở Thiền”?