Wednesday, February 16, 2011

MỘNG TƯỞNG THIÊN THU


Ta đi mấy độ luân hồi
Để duyên tiền kiếp lần hồi gặp em
Cầm tay hỏi mối tương duyên
Tóc mai ngày ấy về miền thái hư

Gặp nhau từ thuở thiên thu
Nhập vào cánh bướm phiêu du cõi tình
Ta đi từ buổi bình minh
Bước chân lãng tử dấu tình phôi pha

Khi xưa múc ánh trăng ngà
Soi gương mặt nước thấy ta hóa hình
Vườn đào theo gót thi nhân
Xem tranh Tố Nữ cây quỳnh cành giao

Thấy ai gõ cửa bước vào
Tú Uyên cánh mộng đi vào người thơ
Yêu nhau như chuyện tình cờ
Phải duyên kỳ ngộ bến bờ trăm năm




Ru đêm dòng tóc em nằm
Áo tơ nhung lụa quấn quanh hình hài
Yêu người kết một oan hai
Phải chăng chiếc bóng hình hài đêm qua?

Ô hay ! Mộng tưởng như là
Thấy Ta là một Trăng già là hai
Trong ta nguyên vẹn hình hài
Từ vô lượng kiếp nhuyễn nhoài sắc không

Vô ưu hạt bụi trần hồng
Biến thiên vạn hóa trong vòng càn khôn
Có em trời đất vuông tròn
Có Ta hiện hữu tình còn nước mây

Con trăng mặt nước vơi đầy
Nghìn năm soi bóng tình này thiên thu.

Xuân Mai








LỜI RU NĂM ẤY


Ngày xưa anh đến
Mắt em nhung huyền
Dáng ngoan dịu hiền
Với nụ cười duyên
Ngồi nghe em hát
Khúc ca dao mẹ
Tiếng ngân nhè nhẹ
Ru vào hồn ta


Lời ru bú mớm
Những đêm trăng ngà
Tiếng ru mặn mà
Ấp ủ hồn ta
Lời ru êm ái
Tháng năm thơ dại
Võng ru miệt mài
Những bài tình ca


Ngày ta khôn lớn
Hát ru vào hồn
Những đêm trăng tròn
Nhớ mẹ hiền ru
Ngọt ngào hương cốm
Lá sen ủ nồng
Dáng em mơ mộng
Sen hồng nở hoa


Lời ru năm ấy
Bỗng dưng quay về
Tiếng xưa vỗ về
Ru cuộc đời ta
Lời ru trong gió
Những câu Quan Họ
Tiếng ai mơ hồ
Ru cuộc tình ta
Lời ru em đó
Tiếng ru ngọt mềm
Bóng trăng êm đềm
Ru đời bình yên


Xuân Mai

HUẾ VẪN RỨA


O tê má đỏ hồng hồng
O đi lấy chồng bỏ mạ cho ai
Mạ già cuốc đất trồng khoai
Sớm hôm tựa cửa biết ai cậy nhờ

Qua sông khách phải lụy đò
Bây chừ nước cạn O chờ bến mô?
Sông Hương một dải nông sờ
O về Cồn Hến biết mô mà tìm

Bên ni, bên nớ sầu riêng
Hỏi lui hỏi tới chi phiền lòng nhau
Dòng sông hai ngả sắc màu
Trường Tiền lỡ nhịp ruột đau chín chiều


Răng mà Huế mãi đìu hiu
Hỏi chi cắc cớ khơi điều đắng cay
Trăm năm thác đổ canh chày
Một dòng lưu thủy hương say bắc cầu

Quyện thành sóng gió bể dâu
Cây đa bến cộ nông sâu Tràng Tiền
Nam Bình điệu hát ngọt êm
Nam Ai nức nở sầu lên chín tầng



Hương Giang, Đỉnh Ngự còn trông
Giòng sông ký ức thăng trầm Huế ơi!
Huế chừ ấp ủ trong tôi
Mần răng chi nữa, Huế ơi! Đừng buồn!

O tê nhớ Huế sầu tuôn
Huế thơ Huế mộng, Mười Thương sao đành
Sen hồng nhớ quả cau xanh
Chim kêu vượn hú cũng đành rứa thôi!


Bến Xưa ai có ngậm ngùi?
Nao nao dòng nước bồi hồi nhớ thương
Văn Lâu Vỹ Dạ khói sương
Tiếng chuông Diệu Đế trầm hương tỏa chiều.

O về nhớ mảnh trăng treo
Núi đồi Vọng Cảnh sáo diều buông lơi
Dòng sông con nước êm trôi
Tiếng hò Mái Đẩy đưa người sang sông.


O tê má đỏ hồng hồng
O đi lấy chồng bỏ mạ cho ai?


Xuân Mai

Tuesday, February 15, 2011

DU XUÂN



Sớm mai cơn mưa Hạ
Chiều về làn gió Xuân
Anh là con sóng biển
Cuốn đưa em xuống ghềnh

Anh là con chim lạ
Từ đỉnh núi hoang vu
Chắp bay theo cánh gió
Trong vòm trời phiêu du

Em là con suối nhỏ
Giữa bầu trời thiên thu
Chim rừng bay qua suối
Tìm nhau trong huyễn mù

Có bao giờ ta hỏi
Sao cuộc đời phù du
Vàng cây thay sắc áo
Cảnh đẹp sao hồ như
Thôi thì ta cứ thế
Mặc trời đất huyễn hư
Trái tim theo nhịp đập
Ta như cát bụi mù




Anh như là ngọn gió
Cuốn em vào thiên thu
Đất Trời như Cõi Mộng
Thế gian như Cõi Mù
Em ru đời Ta nhé.
Tháng năm dài hoang vu
Ta như người khách lạ
Theo em đến tuyệt mù

Em là dòng suối mát
Ta là khách lãng du
Mùa Xuân như bất tận
Đón mai vàng thiên thu
Em mang mùa Xuân tới
Cho vạn vật muôn nơi
Đất Trời như mở hội
Đón Xuân về trong tôi.

Xuân Mai




Thursday, February 10, 2011

GIÁNG HƯƠNG TỪ THỨC



                                                          Đông Sơn có núi Hàm Rồng
Đi qua Sông Mã sương giăng phủ đầu
Mơ huyền cảnh sắc thâm sâu
Lên hang Từ Thức Qua Châu cát vàng
Quanh co vách núi dựng ngang
Non cao chót vót cửa hang về trời
Thần Dầu cửa biển ra khơi
Mái chèo ngư phủ đưa người tầm nguyên


Chín mươi chín ngọn đỉnh thiêng
Hỏa Châu núi đá sương triền tỏa bay
Sơn lam nắng ửng non mây
Ngọn Nhi Phong giữa trời tây tuyệt vời
Có chàng Công Tử dạo chơi
Túi thơ bầu rượu đất trời nở hoa
Lãng du vọng nguyệt sơn hà
Mặt trời ngả bóng thuyền hoa chất đầy




                                                           Chim rừng sáo vượn trên cây
Suối reo róc rách cỏ cây rậm rì
Khỏi lam chiều tỏa bay đi
Tà dương khuất nẻo tinh kỳ hang sâu
 Sơn lam thạch nhũ phủ đầu
Biến thiên vạn hóa sắc màu lung linh
Trèo lên phiến đá ẩn mình
Nàng Tiên gót ngọc đắm mình non mai






Xiêm y lộng lẫy trang đài
Hương thơm tỏa ngát trên đài tuyết sen
Giáng Hương nét ngọc mơ huyền
Hữu duyên kỳ ngộ siêu nhiên hiển bày
Hoa rừng thơm ngát đâu đây
Tàng cây cổ thụ ẩn đầy tích xưa
Trăng xuyên vách đá đề thơ
Từng làn gió mát hương đưa ngạt ngào




Tiên đồng ngọc nữ trên cao
Suối khe róc rách đường vào Thiên Thai
Hoa thơm mở lối Phù Lai
Ba mươi sáu động gót hài nở hoa
Mênh mông cảnh sắc chan hòa
Pha lê thạch nhũ gấm hoa điện đài
Chàng Từ Thức lạc Bồng Lai
Tiên ca vũ điệu khoan thai nhịp nhàng





Cung đàn tiếng nhạc hòa vang
Âm giai tiết điệu mơ màng đắm say
Thiên Cung vọng chín từng mây
Đá hoa muôn sắc kết đầy trăng sao
Cõi Tiên thoát tục thanh cao
Mùa Xuân bất tận đi vào Cảnh Tiên
Thiên Thai ngồi nhớ hiện tiền
Quê nhà một mảnh trăng nghiêng cuối ghềnh





Chạnh lòng nhớ ánh trăng thanh
Hàng cau khóm trúc mái tranh tiêu điều
Con đò bến cũ tịch liêu
Tiếng ru kĩu kịt sáo diều vi vu
Lòng chàng ray rứt thiên thu
Mênh mang niềm nhớ hiên thu lá vàng
Thôi thì trở lại dương gian
Thỏa lòng mong nhớ trăng ngàn thang mây





Non tiên cách biệt từ đây
Giáng Hương người ngọc thấm đầy ân sâu
Tiên Cung một đóa hoa sầu
Mẫu Đơn ngày ấy nhìn nhau ngậm ngùi
Nắng chiều mấy sợi tơ rơi
Hoàng hôn trong mắt bồi hồi xa đưa
Xóm làng cảnh cũ người xưa
Giờ đây xa lạ sóng đưa mạn thuyền




Sơn thanh thủy tú hương nguyền
Bước chân trở lại con thuyền buông trôi
Thiều quang sáu chục năm rồi
Cảnh Tiên Cõi Tục ra người tiêu dao
Chim Loan vỗ cánh bay cao
Cỗ xe tứ mã tan vào hư không
Nghe như sóng vỗ trong lòng
Cửa hang Từ Thức người không trở về






Chênh vênh một bóng trăng thề
Cõi Tiên chẳng ở lại về non Mai
Bích Đào cửa động Thiên Thai
Cho người trần thế đoái hoài tiếc thương
Trăm năm vũ khúc nghê thường
Chuông kêu thạch nhũ trống buồn vọng âm
Thần Phù ghi lại dấu chân
Giáng Hương Từ Thức Cõi Trần Cõi Tiên
Thực Hư trong Cõi Hư Huyền


Xuân Mai

                                                            *Bộ sưu tập áo dài Minh Đức


NGHÌN THU ÁO TÍM



Em ơi ! Chẳng tiếc gì nhau
Nghìn thu áo tím một mầu hư không
Yêu nhau một sáng trời hồng
Một rừng lá đổ búp măng ngọc ngà

Phải lòng ánh mắt thiết tha
Phải chăng nỗi nhớ mặn mà yêu em
Hương thơm suối tóc nhung mềm
Nụ cười nửa miệng trái tim thật thà

Ngọt ngào giọng hát dân ca
Nghe câu Quan Họ thấm tà áo nâu
Đêm nay trăng sáng bắc cầu
Cho người dệt lụa thả sầu tương tư

Người về tiếng hát hồ như
Âm giai tiết điệu thiên thu đá vàng
Hạc hồng vỗ cánh bay ngang
Chắp đôi cánh mỏng cùng nàng phiêu du

Ta đi trong cõi sương mù
Rừng phong lá đổ mịt mù dấu chân
Nương vai lê gót phong trần
Thảo nguyên mở lời vườn Quỳnh em sang

Trèo lên Quán Dốc mơ màng
Một đời tận tụy cưu mang bế bồng
Em ơi hoa cỏ sầu đông
Thả cho làn gió mưa hồng cuốn trôi

Xuân Mai

ĐỔI NẮNG



Chiều trên đồi nắng
Ta ngồi bên nhau
Tìm ly rượu đắng
Ngày vui qua mau
Chiều trên đồi vắng
Ngồi nghe âm vang
Nhìn theo vạt nắng
Tan trong không gian

Em từ đâu đến?
Ta về nơi đâu?
Trong vòng trời đất
Ta mình gặp nhau
Em vì sao lạ
Lạc xuống trần gian
Gặp chàng nghệ sĩ 
Say mê cung đàn





Anh là ngọn gió
Từ chốn Thiên Cung
Yêu Nàng thi sĩ 
Si mê tơ lòng
Ta về đỉnh núi 
Lên thác cheo leo
Qua đèo ngoạn mục
Vượt suối băng đèo

Em lùa tóc biếc
Vào cõi mây xanh
Anh rung tiếng nhạc
Xuyên lá cây cành
Em ngân tiếng hát
Cao vút từng mây
Ta là cánh gió
Dìu em ngất ngây




Ta về với nắng
Thung lũng tình yêu
Có hoa vàng nhỏ
Say cơn mê chiều
Ta đùa với nắng
Lăn đám cỏ xanh
Tha con diều nhỏ
Hát Khúc Xuân Tình

Em đâu ta đó
Chia những buồn vui
Bốn mùa trăn trở
Mơ giấc mộng dài
Đời là quán trọ
Trong cõi trần ai 
Ta là ngọn gió
Em cánh sao Mai

Xuân Mai


Wednesday, February 9, 2011

QUÊ TÔI BÊN NƯỚC SÔNG HỒNG




Đường gập ghềnh hoa chen cỏ mọc
Nước Sông Hồng đỏ đục phù sa
Chiếc thuyền đủng đỉnh đi qua
Chèo buông tay lái thuyền qua đến bờ
                 
                 *  *  *  *  *

Nhìn dòng nước chảy lơ thơ
Làng quê ruộng lúa cánh cò bay ngang
Áo nâu gìn giữ xóm làng
Lều tranh vách nứa ruộng hoang cày bừa
Quê nghèo một nắng hai mưa
Được mùa lúa chín thi đua gánh gồng
Mái làng đình biển cong cong
Trăng lên tiếng hát Đêm Rằm lả lơi



Nắng mưa thước rạ ta ngồi
Dòng sông uốn khúc đất bồi quanh năm
Quê tôi dệt lụa chăn tằm
Vải thô đã thấm ruộng đồng khói lam
Yêu con đê đắp thôn  làng
Mối tình mộc mạc nhưng chan chưa lòng
Nắng chiều đã tắt trên sông
Tiếng ru hời vọng trên đồng cỏ non.

Mẹ ru con nước về nguồn
Con trăng về cội lời buồn Mẹ ru.
Ru hời tiếng hát thiên thu
Lời ru của Mẹ nghe như ấm lòng

Quê tôi bến nước Sông Hồng

Xuân Mai

GIỌT TÌNH




                                                      Còn lại chút men say
Ta vùi trong góc nhớ
Ân tình xưa còn đó
Để lại vết thương đau
Ngày vui giờ qua mau
Nỗi sầu đong chất ngất
Nụ hôn nào chợt tắt
Trên mắt biếc môi thơm

Nụ cười nào chưa đơm
Trên môi hôn thánh giá
Vòng tay nào buông thả
Cho vỡ nát tim yêu
Ngày tháng buồn cô liêu
Tình yêu không tiếc nuối
Sao lòng còn bối rối
Khi hạnh phúc tả tơi

Con đường nào chia phôi
Lời tình nào chưa nói
Trái tim còn nhỏ nhoi
Nên tình yêu chưa tới.
Nắng mai hồng phơi phới
Giòng nước mắt tuôn rơi
Khoang tim buồn nhức nhối
Nghe cõi lòng chơi vơi


Giọt sầu dâng đôi môi
Nụ hôn nồng đắm đuối
Cho yêu thương lần lối
Dù tình người phôi phai
Ta yêu mình yêu Ta
Trái tim yêu mù lòa
Nên tình yêu mắc cạn
Trong mắt môi thật thà

Anh bây giờ nơi đâu
Khi tình chết trong nhau
Cho lệ sầu tiếc nuối
Tháng năm còn đầy vơi
Em bây giờ trong ta
Vết thương đau nhạt nhòa
Đời mình như dốc cạn
Mà muôn trùng chia xa
Em trao tình cho ta
Trái tim yêu thật thà
Khi tình yêu vỗ cánh
Đời mình như thoáng qua.

Xuân Mai

Tuesday, February 8, 2011

MỜI TRẦU




Miếng trầu mở đầu câu chuyện
Anh xơi trầu để quyện duyên tơ
Trầu không ăn với cau khô
Ở giữa đệm quế vôi tô thắm màu

Trầu tình trầu nghiã mời nhau
Bổ ra làm chín quả cau ngọt bùi
Trầu vàng kết nghĩa chung đôi
Trầu xanh kết bạn nên đôi vợ chồng

Lá trầu là lá trầu không
Quyện thêm vôi đỏ tình nồng sắt son
Cau xanh đượm thắm tâm hồn
Ăn vào cho đỏ môi thơm tình nồng

Trầu cau nên nghĩa vợ chồng
Mời chàng một miếng trầu không cho vừa
Lá trầu cánh phượng kém thua
Trầu cay trầu ngọt duyên thơ càng nồng.

Mời chàng một miếng trầu không.



Xuân Mai

Sunday, February 6, 2011

Mình-nhìn-mình trong Cõi Riêng


                                                        Viết tặng Thi Sĩ Đặng Xuân Mai 
                                                        Thái Chinh Nguyễn Kim Loan

 
Thi sĩ Đặng Xuân Mai và tiến sĩ Nguyễn Xuân Thưởng là hai người học trò của cố nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng.
Lúc còn sống, anh Thanh Hùng tự nhận mình là Đông Tà Hoàng Dược Sư, một nhân vật trong truyện kiếm-hiệp Thần Điêu Đại Hiệp của văn sĩ rất nổi tiếng người Trung Hoa: Kim Dung.
Xuân Mai và Xuân Thưởng là hai đệ tử của Sư-phụ Đông Tà.
Chắc hẳn rằng Xuân Mai là đóa hoa mai của hương sắc một mùa Xuân trường cửu, trường cửu vì tập thơ “Cõi Ta” của Đặng Xuân Mai (đã xuất bản) sống còn mãi mãi với thời gian của hồn thơ Việt. Và Xuân Thưởng có lẽ mang ý nghĩa ‘một mùa Xuân tinh-thần’ mà thiên nhiên muốn làm quà cho những tâm cảm lành và đẹp; cũng có thể ẩn ý là sự thưởng thức văn chương và nghệ thuật rất trong sáng, rất hồn nhiên của tuổi Xuân thơ ngây.
Không ai nghĩ rằng nghệ sĩ Thanh Hùng đã ra đi vĩnh viễn. Có lẽ vì tinh thần của nghệ sĩ Thanh Hùng đậm nét hai khía cạnh rất độc đáo: sừng sỏ và nho nhã. Sừng sỏ bao nhiêu thì nho nhã bấy nhiêu. Và cũng có lẽ vì “những đấng tài hoa, thác là thể phách còn là tinh anh” (Truyện Kiều, Nguyễn Du).
Có phải rằng “tinh anh” của linh hồn người nghệ sĩ chân chính và đạo đức bao giờ cũng phảng phất khí vị Thiền?
Đạo Phật công nhận có linh hồn; nếu ta hiểu linh hồn theo ý nghĩa của Duy Thức Học như Thầy Nhất Hạnh viết trong “Vấn Đề Nhận Thức Trong Duy Thức Học”:
Duy Thức Học là một cánh cửa hiện tượng luận mở nhìn vào vấn đề thực tại tuyệt đối, tức vấn đề chân như (tathata)......
Nếu ta hiểu linh hồn hay bản ngã (atman) là một dòng hiện tượng tâm lý liên tục chuyển biến có liên hệ tới các hiện tượng sinh và vật lý khác, thì ta có thể nói là có linh hồn, có bản ngã. Linh hồn hay bản ngã hiểu theo kiểu này cố nhiên là đạo Phật có thừa nhận.
Linh hồn là một dòng hiện tượng tâm lý luôn luôn chuyển biến và thay đổi như một dòng sông. Giải nước trắng kia ta trông như bao giờ cũng là dòng sông cũ, kỳ thực vô số những giọt nước hợp thành, nó luôn luôn di động và được đổi thay.
Nước sông Hương liên tục di động, thay đổi từng “sát-na”; thế nhưng, do “duyên” về địa lý, khí hậu và nhân tình mà tinh thần và bản chất của sông Hương là dòng nước êm đềm, bình thản khiến cho ngàn sau và ngàn năm sau nữa sông Hương vẫn là sông Hương thơ-mộng của người làm văn học nghệ thuật.
Tinh thần chính trực, giản dị và hồn nhiên của linh hồn nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hùng trước sau như MỘT trong dòng tâm cảm thay đổi, đổi thay ở vạn nghìn kiếp trước, kiếp này, kiếp sau và muôn vàn kiếp sau nữa.
Đổi thay, thay đổi,  liên tục chuyển biến mà vẫn giữ được trước sau như MỘT. Giữ cho mình đối với mình chỉ Một Tấm Lòng, giữ cho mình đối với bạn bè chỉ  Một Tấm Lòng,  đó có phải là “sống thiền”?
Những người nghệ sĩ đích thực là ‘nghệ sĩ chân-chính đạo-đức’  trân trọng “giữ cho nhau Một Tấm Lòng” của tâm lành, đẹp và trong sáng:
Như cát bụi trở về cát bụi
Giũ hình hài nơi Cõi Nhân Gian
Uyên nguyên Trời Đất dọc ngang
Ý tình gửi trọn xác phàm về đâu?
Êm trôi trong tiếng kinh cầu
Nẻo nào về cõi thiên thâu đất trời

Ta từ hạt bụi mù khơi
Hư không rơi xuống cõi đời phù vân
Áo phai nhật nguyệt phong trần
Ngủ vùi một giấc hoa Xuân lại về
Hoa vàng rải bước đường quê

Hỏi ai tri kỷ Đi Về với ai?
Ủ ê trong giấc mộng dài
Nghìn năm có được hình hài Sắc Không
Giữ cho nhau Một Tấm Lòng
Bài thơ trên thi sĩ Đặng Xuân Mai làm theo thể Hoán Thủ. Nếu lấy vần đầu ở mỗi chữ bắt đầu từng câu thơ một, đem ghép lại, thì là Nguyễn Thanh Hùng.
Những chữ N, G, U, Ý, Ê, N đem ghép lại để thành chữ NGUYỄN.
Những chữ T, H, Á, N, H đem ghép lại để thành chữ THANH.
Những chữ H, Ủ, N, G đem ghép lại để thành chữ HÙNG thì không đúng lắm, nhưng mà cũng không sai lắm.
Phải nói rằng khi ghép các chữ lại thì “như là Nguyễn Thanh Hùng”, tên của người nghệ sĩ tài hoa.
Trong thế gian tương-đối này, có gì là Tuyệt Đối đâu. Tất cả đều NHƯ LÀ, mọi sự mọi việc đều như-đúng như-sai, như-ảo như-thật, như thực như ảo.
Bài thơ Nẻo Về chấm dứt với câu thơ “Giữ cho nhau Một Tấm Lòng”.
Một Tấm Lòng của “như vẫn Thanh Hùng, như vẫn đây”(thơ Như Kiến cư sĩ).
Một Tấm Lòng vượt lên trên sống-chết, Một Tấm Lòng của “không sống-chết”, đó có phải là đã sống, đang sống và nghìn thu vẫn sống trong hơi thở Thiền.
Bởi “sống thiền”, bởi có khả năng “sống trong hơi thở Thiền” mà người nghệ sĩ được tận hưởng một cách thâm trầm, sâu sắc và trọn vẹn  những giây phút mình-nhìn-mình trong Cõi Ta, mình-tìm-mình trong Cõi Riêng:
                        Cõi Riêng
   Tiễn anh phai nhạt nắng chiều
  Em về phố núi đìu hiu dáng gầy
         Tàn thu cỏ úa heo may
  Em về quạnh quẽ tháng ngày cô liêu
Trong cõi riêng cô-liêu, thi nhân quay lại mình để nhìn chính mình, trông thấy suốt đáy lòng mình, tìm nguyên nhân và hệ quả của mỗi rung cảm, mỗi suy tư, mỗi hành động.
Thế rồi, người làm thơ thấy chính mình đang mê, thấy chính mình điên đảo với những cơn bão táp ‘kỷ niệm tơ hồng’ mượt mà khói hương hoa chúc:
        Anh đi nắng quái mưa chiều
     Em về cửa mở dấu yêu hiện về
          Rượu nồng chưa tỉnh cơn mê
  Đêm trăng rụng cánh sao khuê vào phòng
       Hương đêm man mác tình nồng
   Áo em tẩm liệm tơ hồng khói lam
 Những vọng tưởng, vọng tình trổi dậy mãnh liệt, chuyển biến ngày tháng thành rong rêu, chuyển biến để hồn-chiều-tà phảng phất trong đôi mắt xanh thẳm của người yêu. Những con sóng lớn nhỏ chuyển biến mặt-biển-tình-cảm, nhưng nước biển xanh ngắt vẫn là Một: một tình nhớ không khuây, trong sáng, rực rỡ một màu dương:
     Nhớ đêm trăng sáng rải vàng
Anh, sao Bắc Đẩu bạt ngàn thức mây
         Em ngồi xỏa tóc bay bay
Ru anh tình muộn tháng ngày rong rêu
     Mắt anh xanh thẳm hồn chiều
Yêu anh từ độ trăng treo cuối ghềnh
        Ru tình, tình mãi lênh đênh
Em, con chim nhỏ theo anh cuối mùa
Nói theo Duy Thức Học của Phật giáo, dòng hiện tượng tâm lý hằng chuyển, nước sông trôi mãi, liên tục đổi thay mà vẫn là Một, Một Dòng Sông.
Vọng tưởng, vọng tình giam hãm thi nhân trong tháng ngày cô liêu, trói buộc người làm thơ với nắng quái mưa chiều, thắt chặt thi sĩ bằng những tình si sôi nổi: “rượu nồng chưa tỉnh cơn mê”, và “áo em tẩm liệm tơ hồng khói lam”, và “ru anh tình muộn tháng ngày rong rêu”......
Kể bao vọng tình, vọng tưởng cho hết, cho vừa biển tình mênh mông, bao la của cái tâm hữu-tình đa cảm nghìn năm vẫn thế.
Thi nhân dịu dàng ve vuốt vọng tưởng của tình si đắm đuối, thi nhân ghì chặt vọng tình vào lòng để được nức nở, để được khổ đau, than khóc và suối lệ như-ảo như-thực tuôn tràn ra ngòi bút, thành thơ, thơ của Đặng Xuân Mai.
 Vọng Tưởng của thi nhân thì muôn vàn bóng sắc hư ảo; huy hoàng, diễm lệ, tuyệt vời hơn vọng tưởng của người đời, những người bình thường. Mà nói chung về những Vọng Tưởng của nhân thế, kinh Phật “Bồ Đề Tâm Luận” dạy rằng: “Cái pháp của Đường Mê là từ nơi vọng tưởng mà sinh ra, nó lần lượt làm nẩy nở ra cho đến thành vô lượng vô biên phiền não”.
Biết là MÊ mà vẫn tưởng tượng, biết là MÊ mà vẫn mơ mộng, biết là MÊ mà vẫn “yêu”. Yêu thành thật và trong sáng, xin đừng hỏi thi sĩ yêu ai, xin đừng bắt thi nhân nhớ tên người yêu rồi “tôi viết tên anh trên lá, trên hoa” như người bình thường.
Người làm văn học nghệ thuật không chối bỏ vọng tưởng đau khổ, không lìa xa vọng tình phiền-não;  họ trìu mến ôm ấp những tình cảm điên dại của họ, họ sung sướng khi được chịu đựng phiền não để làm thơ, viết văn, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật. Họ tỉnh thức trong những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi, và họ cũng tỉnh thức với tháng năm trầm mình trong khổ đau thống-thiết:
             Đêm về thắp nến làm thơ
  Ngâm câu kinh khổ, ngồi chờ trăng lên
Sự tỉnh thức rất trong sáng của người-làm-thơ đang yêu, Đặng Xuân Mai hoàn toàn tỉnh thức để lột tả tình cảm chân thực của mình cho thật lành, cho thật đẹp, cho thật “thơ” bằng âm ngữ Việt vô cùng phong phú:
Nhớ anh trăng giãi bên thềm
Sương thu nguyệt đọng tóc huyền sợi tuôn
Kinh Phật dạy: “Từ nơi vọng tưởng, cái pháp của Đường Mê sinh ra; Vọng Tưởng lần lượt làm nẩy nở ra cho đến thành vô lượng vô biên phiền não”, đó là lời nói của NGƯỜI GIẢI THOÁT.
Trong bài Tọa Thiền Hòa Tán, thiền sư Bạch Ẩn (người Nhật Bản) miêu tả NGƯƠI GIẢI THOÁT như sau:
Người ấy đã thoát ngoài điên đảo Vọng Tưởng
Đã mở ra cánh cửa đồng nhất của nhân và quả
Và thênh thang con đường pháp phi nhị phi tam
Trụ nơi Bất Dị giữa những cái Dị
Dù tới dù lui cũng không bao giờ động
Nắm cái Vô Niệm trong cái Niệm
Trong thi vi đều nghe tiếng pháp
Trời Tam Muội lồng lộng vô biên
Trăng Tứ Trí sáng ngời viên mãn.....
Thi nhân là người không muốn thoát ra ngoài riềng mối điên đảo của Vọng Tưởng.
Thi sĩ là người tha thiết được vướng mắc Vọng Tưởng, khao khát bị trói buộc bởi Vọng Tình để có hứng khởi nồng nàn, mãnh liệt; và như thế từ trong tim óc tuôn trào ra những vần thơ đắm đuối tình cảm trầm-luân.
Làm sao có thể thoát được vọng tưởng, vọng tình khi mà cái chuyện Giải Thoát quá khó khăn, có thể nói là kinh hoàng đối với những tâm hồn đa sầu đa cảm.
Việc lìa bỏ vọng tưởng thì vô cùng đáng sợ đến nổi thiền sư Thối Ẩn phải dùng hình ảnh rất cụ thể, rất mạnh bạo để miêu tả sự đau đớn tận cùng của người muốn thoát vọng tưởng, muốn tiêu diệt tất cả vọng tình để có thể Giải Thoát.
Trong Thiền Gia Qui Giám, thiền sư Thối Ẩn đời Minh (một triều đại của Trung Hoa) cho rằng vọng tưởng giống như con bò mộng (con bò to và mập). Con bò mộng này làm bằng chất sắt (một kim loại rất cứng). Người muốn giải thoát thì giống như con muỗi đang chích con bò mộng bằng sắt ấy. “Da sắt”của bò mộng làm cong queo cái vòi yếu ớt của con muỗi (con muỗi tượng trưng cho người đang cố gắng diệt tất cả vọng tưởng), và “da sắt” đẩy ngược cái vòi khiến cho con muỗi vô cùng đau đớn; thế nhưng, con muỗi phải quên nỗi đau vô tận, phải quên mình để tiếp tục chích vào cái thân to lớn bằng sắt của con bò mộng. Chỉ khi nào cái vòi nhỏ bé, mong manh xoi thủng qua “da thịt sắt” của con bò, và chạm đến xương tủy, thì lúc ấy tất cả vọng tưởng mới tan biến. Phải cực kỳ nan hành khổ hạnh mới diệt được vọng tưởng, vọng tình; thế rồi, người-diệt-vọng-tưởng chứng nghiệm trạng thái:
                        Lửa thế tục còn đâu
            Để cho đời mơ tưởng (kinh Tự Thuyết)  
Thi nhân là người rất sợ diệt vọng tưởng, rất kinh hãi khi nghĩ đến việc tự mình làm tan biến tất cả mộng mơ.
Thi nhân tha thiết được sống điên đảo, khổ đau trong Mê Lộ của vọng tưởng phiền-não.
Nhưng, tất cả tình cảm tầm thường như giận hờn, thương nhớ, yêu, hận..... của thi nhân được nâng lên, được mình-tự-mình-thờ-phụng-tình-cảm của mình: đem tình đốt khói dâng hương cho vừa.
Yêu đấy mà thiền đấy, thi nhân Đặng Xuân Mai gói trọn hồn thơ đẫm tình vào trong lời kinh:
Yêu anh mắt thẳm môi hờn
  Đem tình đốt khói dâng hương cho vừa
      Tâm kinh, nhã nhạc sớm trưa
  Lời kinh gói trọn hồn thơ đẫm tình
Yêu rồi Mê mà vẫn tự coi tình của mình là một vật mà mình phải nhiệt thành thờ phụng, rồi nâng đối tượng lên thật lành, thật đẹp, thật trong sáng, đó có phải là vừa thiền vừa yêu.
Đặng Xuân Mai yêu trong cô đơn: mình em trong bầu trời anh để lại.
     Bâng quơ câu hát một mình
 Ai khêu trăng sáng tỏ tình cùng em
  Tắm trăng, ngắm cội Quỳnh Tiên
 Em nương câu hát về bên ấy rồi
    Anh về bỏ cuộc rong chơi
 Anh đi để lại bầu trời mình em
          À ơi câu hát ru đêm
 Ru em giấc ngủ, ru quên tháng ngày
        Ru đời, một đám cỏ may
 Ru anh tình muộn, ru cay tình nồng.
Đặng Xuân Mai yêu trong tiếng ru: ru em tím cả mầu chiều ái ân, và ru say tóc rối, ru mềm ngực hoang, để cuối cùng em đưa anh vào tận Cõi Thơ.
Thi sĩ và người yêu mờ mờ nhân ảnh trong vọng tưởng như-thật như-ảo của Cõi Thơ.
Cõi Thơ có sóng tình gọi bến bờ mê.
Cõi Thơ có em từ muôn kiếp vẫn là đây
 Cõi Thơ có:
              Anh muốn tan thành mực
              Hóa thành dòng thơ ngoan
              Em là sao trên non
              Anh là bóng trăng ngàn
              Mai ta về nguồn cội
              Trong Đất Trời xênh xang.
Cõi Thơ là Cõi riêng của thi nhân.
Cõi Riêng của thi sĩ Đặng Xuân Mai là Cõi dệt bằng vọng tưởng, vọng tình thật thơ, thật mộng:
Em dệt mây thành thơ
Bao mơ ước cho vừa
Anh làm mưa tháng chạp
Yêu em thật tình cờ
Cõi Riêng của thi sĩ Đặng Xuân Mai là Cõi hư huyễn
            Em ngồi đây với anh
            Một chút gì mong manh
            Như hương mùa xuân mới
            Ươm nắng lụa trên cành
Cõi hư huyễn là Cõi Nhân Gian
  Tình vẫn đẹp dẫu muôn vàn ngang trái
  Chim vẫn hót trong vườn hoa tình ái
  Khi tình người mê mãi Cõi Nhân Gian
Cõi Nhân Gian là Cõi của con người.
Tình người thì mê mãi Cõi Nhân Gian mà tâm người thì đi tìm Phật tánh.
Đoàn Trung Còn định nghĩa ‘Phật tánh”:
Mỗi vật đều chứa nơi mình Phật tánh. Phật tánh ở nơi ta là tiến chớ không phải thoái, tích chứ không phải tiêu; NÓ lướt tới mãi, NÓ làm cho cảnh trần càng đẹp càng thuần, NÓ đưa lần mọi vật đến gần cái Tuyệt Đẹp, cái Tuyệt Cao, Tuyệt Diệu và Tuyệt Sáng.
 Thơ Xuân Mai không phải thơ Thiền của một thiền sư.
Thế nhưng, đọc thơ Xuân Mai thì thấy cảnh trần càng đẹp càng thuần.
Đọc thơ Xuân Mai thì thấy mọi việc, mọi vật đến gần cái Tuyệt Đẹp, cái Tuyệt Sáng.
Có đúng không khi tôi nói rằng thơ Xuân Mai có vị Thiền và phảng phất “hơi thở Thiền”?